Dân gian dùng cụm từ nhiễm độc thai để gọi chứng tiền sản giật. Tình trạng bệnh này nếu không điều trị có thể dẫn tới biến chứng. Tử vong mẹ và thai nhi.
Bài này được thực hiện với sự giúp đỡ của phòng chỉ đạo tuyến bệnh viện Hùng Vương TP.HCM
Nguyên nhân gây tiền sản giật
Tiền sản giật là một bệnh được đặc trưng bởi các triệu chứng như cao huyết áp, phù mặt và tay, xuất hiện đạm (protein) trong nước tiểu sau tuần mang thai thứ 20. Tền sản giật là bệnh lý tương đối thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 6-8 % trong cả thai kỳ. 85% trường hợp xảy ra trong lần mang thai đầu tiên. Một số yếu tố nguy cơ khác cho sự phát triển tiền sản giật như: Ða thai (mang hai hay nhiều thai), tiểu đường cao huyết áp mãn tính, bệnh thận, bệnh tự miễn (Lupus ban đỏ) và có tiền căn người trong gia đình mắc phải. Tiềt sản giật thường xảy ra hơn ở người trẻ tuổi và phụ nữ trên 35 tuổi.
Dân gian thường gọi bệnh này là nhiễm độc thai nghén, vì người ta nghĩ bệnh gây ra do những chất độc xuất hiện trong máu của người phụ nữ khi mang thai. Cho đến bây giờ người ta biết bệnh này không phải bị gây ra bởi chất độc. Phần lớn nguyên nhân thực sự chưa được tìm ra.
Các triệu chứng và nguy cơ
Triệu chứng: Những phụ nữ bị tiền sản giật thường không có triệu chứng gì lúc mới mang thai.
Ở một số phụ nữ, dấu hiệu đầu tiên là sự tăng cân đột ngột gần 1 kg một tuần hay 2,7 kg một tháng. Sự tăng cân này là do việc tích tụ dịch bất thường trong cơ thể hơn là do tích tụ mỡ.
Phù không do tư thẽ như: phù mặt hay tay, thấy đeo nhẫn cưới chật (khác với phù do tư thế như phù hai chân thường gặp do tử cung lớn nên chèn ép).
Các triệu chứng báo động tình trạng bệnh nặng thêm như: nhức đầu mờ mắt, đau vùng thượng vị, nôn ói...
Nguy cơ cho mẹ: bị sản giật, nhau bong non, tổn thương các cơ quan gan, thận, máu chảy không cầm được hay co giật.
Nguy cơ cho thai nhi: không nhận đủ cung cấp ôxy hay chất dinh dưỡng từ nhau thai, dẫn đến thai nhi chậm phát triển hay suy thai, chết từ trong tử cung, sinh non.
Chuẩn đoán tiền sản giật
Cần chuẩn đoán tiền sản giật khi số đo huyết áp của thai phụ được ghi nhận là cao liên tục trong một khoảng thời gian. Huyết áp của thai phụ được ghi nhận trong 3 tháng đầu mang thai sẽ được so sánh với số đo huyết áp hiện có trong những lần khám của thai sau .
Chứng tiền sản giật có nhiều mức độ trầm trọng khác nhau:
Cao huyết áp do thai kỳ (Pregnancy-induced Hypertention).
Tiền sản giật (nhẹ và nặng): cao huyết áp phù và có đạm trong nước tiểu.
Sản giật: các triệt chứng như tiền sản giật cộng với các cơn co giật
Ngoài việc căn cứ vào số đo huyết áp, người ta chuẩn đoán giật bằng cách phát hiện lượng protein trong nước tiểu bằng hai cách. Thu thập nước tiểu trong 24 giờ rồi phân tích lượng protein trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm xem chức năng thận gan có bình thường không, xem tiểu cầu (cần cho sự cầm máu có bình thường không.
Một hội chứng được gọi là HELLP là một dạng trầm trọng của tiền sản giật bao gồm tán huyết, men gan tăng và tiểu cầu giảm.
Ðiều trị bệnh tiền sản giật
Cách điều trị duy nhất là sinh thai nhi ra.
Trong trường hợp tiền sản giật nhẹ, có thể điều trị ở nhà, ăn lạt, nghỉ ngơi với tư thế nằm nghiêng bên trái hay phải nhằm giúp cho máu qua thai nhi dễ dàng hơn.
Ðo huyết áp mỗi ngày, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào phát triển phải báo cho bác sĩ biết.
Phải khám thai hai lần một tuần để kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra tình trạng của thai nhi.
Những ca nặng nhập viện để bác sĩ có phương án điều trị nhằm giúp cho mẹ tròn vuông.
Mách bạn
Thai phụ thỉnh thoảng mới bị cao huyết áp một lần không có nghĩa là bị tiền sản giật
Khi bệnh quá nặng, ảnh hưởng đến tình trạng sống còn của mẹ, cần lấy thai ra ngay dù non tháng không nuôi được.
Sau sinh thì tình trạng tiền sản giật giảm dần. Tuy nhiên bà mẹ vẫn cần được bác sĩ theo dõi. (TGPN)