Tác giả : BS. LÂM PHƯƠNG NAM (BV Nhi Ðồng 2)
Chết đuối là một tai nạn nguy hiểm đến tính mạng, tuy không nhiều nhưng vẫn thường gặp trong mùa lũ ở vùng sông nước hay vùng biển. Nếu không được sơ cấp cứu kịp thời thường dễ dẫn đến tử vong.
Chết đuối có thể chia làm hai nhóm:
- Chết đuối thực sự (đuối nước - drowing): tử vong trong vòng 24 giờ.
- Ngộp nước (near - drowing): thường sống sót nếu cấp cứu kịp thời, trong ít nhất 24 giờ.
Sơ lược sinh lý bệnh học
Khi trẻ ngộp nước, ngưng thở hoặc co thắt thanh quản sẽ xảy ra. Hậu quả là giảm oxy máu dẫn đến mất tri giác, trụy tuần hoàn. Ngoài ra khi ngộp nước, do phản xạ gây ra thở hút dồn dập làm hút nước vào thêm dẫn đến phù phổi.
Từ giảm oxy máu, mất tri giác, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương thần kinh trung ương từ phút thứ 4 đến phút thứ 6. Giảm oxy còn dẫn đến toan hóa máu (tăng acid trong máu), tăng áp lực nội sọ, phù não, tái phân bố bất thường ở hệ tuần hoàn.
Các biểu hiện lâm sàng thường gặp
Trẻ bị ngộp nước có thể có biểu hiện thay đổi từ gần như bình thường đến gần như chết hẳn.
- Trẻ thường bị hạ thân nhiệt (lạnh toàn thân).
- Thở bất thường hoặc nặng nhọc.
- Xanh mét hay tím tái.
- Co kéo vùng ngực khi thở, rên rỉ, ho ra đàm, bọt hồng.
- Nhiễm trùng phổi do tạp khuẩn từ miệng hoặc do vi khuẩn trong nước hít vào, thường xảy ra sau 24 giờ.
- Chức năng hô hấp có thể cải thiện hoặc nặng lên tự phát tùy theo mức độ tổn thương đường dẫn khí và mức độ phù phổi.
- Ngoài ra trẻ còn có thể có những vết thương trên người do va đập, nhất là ở đầu.
Cách thức sơ cứu
Cần phải thực hiện thật sớm, thật nhanh và thật đúng cách. Ngay sau khi được vớt lên, cần phải làm nhanh:
- Cởi bỏ quần áo ướt.
- Làm thông đường thở bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống thấp, lay mạnh, móc hết dị vật trong miệng và sau họng trẻ bằng ngón tay, ép lồng ngực để tháo nước ở đường hô hấp ra ngoài.
- Có thể áp dụng phương pháp hô hấp Schaffer, đặt trẻ nằm sấp, đầu nghiêng một bên, đặt hai bàn tay phía sau lưng, ấn xuống để nước thoát ra, sau đó thả ra để ngực nở ra, rồi lại ấn tiếp, đều đặn 30 lần/phút.
- Hà hơi thở ngạt bằng phương pháp miệng qua miệng, kết hợp với xoa bóp tim ngoài lồng ngực nếu tim ngừng đập. Cần kiên nhẫn làm liên tục cho đến khi trẻ thở lại.
- Khi trẻ thở lại, lau khô người trẻ, xoa dầu nóng toàn thân, quấn chăn ấm cho trẻ và chuyển ngay tới bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất. Trong quá trình di chuyển, cần theo dõi trẻ thật sát, nếu cần vẫn phải hồi sức tim - phổi tiếp tục cho trẻ.
Ðề phòng
Trẻ em thường có những phản ứng bất ngờ không tiên liệu được. Vì thế khi đi du lịch vùng sông nước, biển. cần quan tâm nhiều đến bé để tránh các tai nạn té sông, té ở vũng nước cạn trên bờ biển hoặc bị sóng ngầm rút ra xa khi tắm biển v.v.
Ðề phòng vẫn luôn là biện pháp chủ yếu khi đi du lịch cùng bé.